Công Ty Cổ Phần Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức

Địa chỉ: 241 Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84) 2873 062 062 Email: bvhoanmythuduc@hoanmy.com

Hôn mê, co giật khi đang chạy bộ vì sốc nhiệt | BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ HOÀN MỸ THỦ ĐỨC | Thành viên Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ

Hôn mê, co giật khi đang chạy bộ vì sốc nhiệt

13-06-2022

Sốc nhiệt khi đang chạy bộ, người bệnh nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương thận cấp.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã cấp cứu kịp thời và thành công cho một người bệnh bị sốc nhiệt khi đang chạy bộ. Người bệnh nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương thận cấp. Sau khi được điều trị tích cực, người bệnh đã xuất viện khỏe mạnh và không để lại di chứng nghiêm trọng.

Vậy sốc nhiệt là gì? Mức độ nguy hiểm như thế nào? Và cần làm gì để phòng ngừa? Cùng tìm hiểu qua chia sẻ của BS. Nguyễn Hữu Hiệu, chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức nhé!

Hiện nay, thời tiết nắng nóng đang diễn ra nhiều nơi trên cả nước, hiện tượng say nóng, say nắng, hay sốc nhiệt diễn ra càng phổ biến hơn, đặc biệt ở những người hoạt động thể lực nhiều. Sốc nhiệt xảy ra đột ngột, cần phát hiện và xử trí kịp thời để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Sốc nhiệt là gì?

Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao quá mức (thường trên 40oC), xảy ra đột ngột do tiếp xúc với nhiệt độ cao ngoài trời trong một khoảng thời gian dài. Thông thường, khi làm việc quá sức, đặc biệt dưới trời nắng nóng, cơ thể sẽ tạo ra một lượng nhiệt lớn, lúc này, đồng thời mồ hôi sẽ được tiết ra để làm mát cơ thể. Nhưng khi sốc nhiệt xảy ra, trung tâm điều hòa nhiệt độ của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến không thể làm mát bằng cơ chế này. Vì vậy, nhiệt độ cơ thể tiếp tục tăng cao và gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Sốc nhiệt thường gặp ở một số người hoạt động thể lực nhiều như lao động nặng, tập thể dục cường độ cao, kéo dài. Những đối tượng dễ nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ như người già, trẻ em, những người có các bệnh nền sẽ có khả năng bị sốc nhiệt nhiều hơn người khác.

Sốc nhiệt nguy hiểm như thế nào?

Sốc nhiệt gây ra nhiều triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ nặng. Biểu hiện đa dạng từ triệu chứng nhẹ liên quan mất cân bằng nhiệt như choáng váng, mệt mỏi đến diễn tiến nặng hơn có thể khiến người bệnh ngất xỉu, li bì. Thậm chí, sốc nhiệt nếu không điều trị kịp thời có thể gây hôn mê, co giật, tổn thương nhiều cơ quan, ly giải cơ vân, suy thận và nguy cơ tử vong.

Làm sao để nhận biết được sốc nhiệt?

Triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt thường biểu hiện nhẹ như cảm giác nóng trong người, chóng mặt, khát nước, co rút cơ tay chân. Da thường ửng đỏ, sờ nóng, kèm da ẩm (trong sốc nhiệt do gắng sức) hoặc da khô (trong sốc nhiệt do nắng nóng). Nhiệt độ cơ thể đo được thường trên 40oC.

Người bị sốc nhiệt có thể khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh. Khi diễn tiến nặng hơn, có thể xuất hiện rối loạn tri giác như lo lắng, kích động, hoặc lú lẫn, hôn mê. Nhiều trường hợp được đưa đến cơ sở y tế khi đã hôn mê, co giật, suy thận cấp tính, mất nước nặng.

Sốc nhiệt nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Xử trí ban đầu như thế nào cho người bị sốc nhiệt?

Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bị sốc nhiệt, cần nhanh chóng thực hiện các bước sau để làm mát cho người bệnh:

- Đưa người bệnh vào nơi có bóng râm, dưới tán cây hoặc đưa vào trong nhà

- Cần cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết để dễ dàng thoát nhiệt

- Ngay lập tức làm mát cơ thể cho người bệnh bằng nhiều cách khác nhau như phun nước lạnh, dùng khăn nhúng vào nước mát rồi lau cho người bệnh, chèn túi nước đá vào trán, cổ, nách, bẹn để nhanh chóng hạ nhiệt

- Nếu người bệnh còn tỉnh, cho người bệnh uống nước nhiều theo khả năng dung nạp được

- Khẩn trương liên hệ và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Phòng ngừa sốc nhiệt bằng cách nào?

- Khi ra đường dưới trời nóng bức, luôn che chắn cơ thể tránh ánh nắng, cần đội mũ, mang ô, đeo khẩu trang, mang kính râm

- Nên mặc quần áo mỏng, dễ thoát nhiệt khi ra ngoài đường

- Đảm bảo uống đủ lượng nước cần thiết, không nên đợi khát mới uống nước

- Đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có nhiều bệnh nền cần hạn chế ra đường trong thời tiết nắng nóng

- Đối với những người hoạt động thể lực nhiều như người lao động nặng hay vận động viên thể thao cần hạn chế làm việc liên tục dưới nắng nóng, uống đủ nước, bổ sung thêm nước trái cây, dung dịch điện giải, nếu được.