Công Ty Cổ Phần Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức

Địa chỉ: 241 Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84) 2873 062 062 Email: bvhoanmythuduc@hoanmy.com

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp | BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ HOÀN MỸ THỦ ĐỨC | Thành viên Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp

24-02-2022

Bài viết được cung cấp bởi BSCKII. Lê Thanh Nhàn, bác sĩ điều trị chuyên khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.

  1. Tiêu chảy cấp là gì?

  • Tiêu chảy cấp: tình trạng tiêu phân lỏng bất thường hay toàn nước ≥ 3 lần/24 giờ. Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ bú mẹ, việc đi tiêu phân lợn cợn nhiều lần trong ngày vẫn được xem là bình thường. Sự thay đổi tính chất phân được xem là quan trọng hơn số lần đi tiêu trong ngày. Phân lỏng là phân có hình vật chứa.
  • Theo tổ chức Y tế Thế giới (2017): tiêu chảy là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi với 525.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Bệnh có thể dự phòng và điều trị được.
  • Một số định nghĩa về tiêu chảy
  • Tiêu chảy cấp: tiêu chảy < 14 ngày.
  • Tiêu chảy kéo dài: tiêu chảy ≥ 14 ngày trở lên.
  • Hội chứng lỵ: bệnh nhi tiêu lỏng kèm có máu trong phân.
  1. Nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy

  • Do vi rút: Rota là tác nhân vi rút thường gặp gây tiêu chảy cấp, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
  • Do vi khuẩn: E.coli, lỵ trực trùng, dịch tả,…
  • Do thuốc: thường gặp là kháng sinh, thuốc kháng acid có thành phần magnesium.
  • Bé bị tiêu chảy cũng có thể do nhiễm ký sinh trùng qua thức ăn hoặc nước uống.
  • Do trẻ bị dị ứng với protein có trong thực phẩm, các loại thịt, cá, sữa,…
  • Chế độ ăn của trẻ không hợp lý: ăn quá nhiều thức ăn, thực phẩm chưa được nấu chín hay chế biến không sạch sẽ.
  • Ngộ độc thực phẩm: gây tiêu chảy cấp với các biểu hiện như nôn ói, đi ngoài nhiều nên các bậc cha mẹ cần phải hết sức lưu ý.
  • Nguyên nhân khác: do trẻ mắc một bệnh liên quan đến đường ruột (viêm ruột, tắc ruột, viêm ruột thừa,…).
  1. Trẻ tiêu chảy thường có biểu hiện gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến tiêu chảy có thể bao gồm:

  • Đau hoặc đau quặn bụng
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Buồn nôn
  • Nôn ói
  • Sốt
  • Tiêu máu
  • Tiêu nhầy.
  1.  Trẻ bị tiêu chảy cấp có nên cho đi xét nghiệm không?

  • Phần lớn trẻ bị tiêu chảy cấp là điều trị tại nhà và không cần thiết chỉ định làm xét nghiệm thường quy.
  • Thường trẻ được cho làm xét nghiệm khi nhập viện

  1. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp tại nhà

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, ba/mẹ/người chăm sóc cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế để kịp thời phát hiện dấu hiệu nặng cần nhập viện. Không tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ uống. Khi chăm sóc tại nhà, ngoài uống thuốc theo toa bác sĩ, ba/mẹ/người chăm sóc trẻ cần lưu ý:

5.1. Bù nước và điện giải

  • Đối với trẻ chưa có biểu hiện mất nước, cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Ba/mẹ/người chăm bé cần động viên bé uống nước để phòng mất nước, hậu quả nguy hiểm của tiêu chảy.
  • Khi bé ói, ngừng 5 - 10 phút sau đó tiếp tục cho bé uống.
  • Dung dịch điện giải sử dụng: Oresol áp lực thẩm thấu thấp (245 mOsmol).
  • Cách dùng Oresol: 1 gói hòa 200 ml nước sôi để nguội/nước sạch.
  • Trẻ < 2 tuổi: uống 50 - 100 ml sau mỗi lần đi ngoài.
  • Trẻ 2 - 10 tuổi: uống 100 - 200 ml sau mỗi lần đi ngoài.
  • Trẻ > 10 tuổi: uống cho đến khi hết khát.

5.2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy

  • Cho trẻ ăn sớm khẩu phần ăn hằng ngày 4 - 6 giờ sau bù nước và điện giải với lượng tăng dần.
  • Nếu trẻ bú mẹ: tiếp tục cho bú nhiều lần hơn và lâu hơn.
  • Nếu trẻ không bú sữa mẹ: 
  • Cho trẻ loại sữa mà trẻ ăn trước đó
  • Không pha loãng sữa
  • Không sử dụng sữa không có lactose thường quy trong dinh dưỡng trẻ bị tiêu chảy cấp
  • Thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, không cho bé ăn cháo trắng
  • Sau khi khỏi tiêu chảy, cho ăn thêm 1 bữa/ngày ngoài những bữa ăn bình thường trong 2 - 4 tuần.

5.3. Khi nào cần đưa trẻ đi tái khám lại

Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tái khám ngay khi ba/mẹ/người chăm sóc bé phát hiện các dấu hiệu nặng. Một số dấu hiệu ba/mẹ/người chăm sóc bé cần lưu ý để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời:

  • Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước hơn   
  • Tiêu chảy hơn 3 ngày, nghi ngờ tả        
  • Khát nhiều
  • Sốt hoặc sốt cao hơn
  • Phân nhầy máu
  • Nôn tất cả mọi thứ     
  • Không chịu ăn.
  1. Các biện pháp dự phòng trẻ bị tiêu chảy cấp

  • Nuôi con bằng sữa mẹ: cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
  • Sử dụng vắc xin phòng bệnh:
  • Tiêm phòng đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng
  • Phòng đặc hiệu tiêu chảy bằng vắc xin: Rota vi rút, tả, thương hàn.
  • Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống.
  • Thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến hoặc bảo quản thức ăn.
  • Rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH VỀ TIÊU CHẢY BA/MẸ/NGƯỜI CHĂM SÓC TRẺ CẦN NHỚ

  • Tiêu chảy là mối quan tâm phổ biến ở trẻ em.
  • Mất nước có thể xảy ra nếu tiêu chảy nặng, không điều trị kịp thời
  • Phần lớn trẻ bị tiêu chảy cấp không cần xét nghiệm thường quy.
  • Bù nước bằng đường uống có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp.
  • Các thuốc cầm tiêu chảy không được khuyến cáo cho trẻ em, nhất là trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ.       
  • Có thể phòng 1 số nguyên nhân đặc hiệu gây tiêu chảy cấp nặng bằng vắc xin. 

Nếu có thắc mắc nào cần giải đáp, quý vị hãy liên hệ theo thông tin:

Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức

241 Quốc Lộ 1K, P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

www.hoanmythuduc.com | 19000119